Các công ty lớn nhất thế giới có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn, vượt ra khỏi biên giới quốc gia sở tại của mình. Thông thường, khi nhắc tới những công ty này, ta thường nghĩ ngay tới Hoa Kỳ, bởi vì 50% công ty lớn nhất thế giới theo giá trị vốn hóa thị trường đều đến từ Hoa Kỳ. Do đó, các nhà đầu tư và nhà giao dịch cần nắm được những thông tin chính về các công ty lớn nhất của Hoa Kỳ và cả những công ty bên ngoài Hoa Kỳ.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về:
Chúng tôi xác định công ty lớn nhất theo tiêu chí nào?
Như đã nói ở trên, chúng tôi sẽ xếp hạng quy mô của các công ty này theo giá trị vốn hóa thị trường (còn được gọi là giá trị vốn chủ sở hữu), được tính bằng cách lấy giá cổ phiếu của công ty nhân với tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty đó. Giá trị này sẽ giúp các nhà đầu tư/nhà giao dịch biết được quan điểm của công chúng về giá trị của công ty, từ đó có thể đưa ra các quyết định đầu tư/giao dịch sáng suốt hơn.
Top 10 công ty lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ[1]
Xếp hạng | Công ty | Quốc gia | Giá trị vốn hóa thị trường (tỷ USD) |
---|---|---|---|
1 | Saudi Aramco | Ả Rập Xê-út | 2305 |
2 | TSMC | Đài Loan | 446 |
3 | Tencent | Trung Quốc | 407 |
4 | Kweichow Moutai | Trung Quốc | 348 |
5 | LVMH | Pháp | 340 |
6 | Nestlé | Thụy sĩ | 332 |
7 | Samsung | Hàn Quốc | 303 |
8 | Roche | Thụy sĩ | 272 |
9 | Alibaba | Trung Quốc | 264 |
10 | Novo Nordisk | Đan Mạch | 250 |
1. Saudi Aramco (2222)
Công ty lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ, và cũng là công ty lớn thứ hai trên thế giới là Saudi Aramco, một công ty kinh doanh dầu mỏ và khí tự nhiên, phần lớn thuộc sở hữu của nhà nước Ả Rập Xê-út với giá trị vốn hóa thị trường là $2,305 nghìn tỷ. Saudi Aramco là công ty lớn thứ hai thế giới chỉ đứng sau Apple. Đây là công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới, quản lý hơn 100 mỏ dầu và khí tự nhiên. Saudi Aramco là công ty sản xuất carbon lớn nhất thế giới.
Được thành lập vào đầu thế kỷ 20 và hoạt động tại Ả Rập Xê-út, Saudi Aramco có quá khứ ba chìm bảy nổi. Ban đầu, đây là công ty con của một công ty Standard Oil of California (SoCal) của Mỹ. Năm 1976, do căng thẳng chính trị leo thang ở Trung Đông, chính phủ Ả Rập Xê-út nắm toàn quyền kiểm soát tài sản của Saudi Aramco. Năm 2019, 5% quyền sở hữu Saudi Aramco được phép giao dịch công khai trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là đợt IPO lớn nhất thế giới, công ty đã huy động được $25,6 tỷ trên sàn giao dịch chứng khoán Tadawul.
Trụ sở chính của Saudi Aramco đặt tại Dhahran, Ả Rập Xê-út, với Tổng Giám đốc là Amin H. Nasser, hiện vẫn đang nắm giữ vị trí này kể từ năm 2015. Năm 2022, do giá dầu tăng, Saudi Aramco ghi nhận lợi nhuận theo quý lớn nhất trong lịch sử của một công ty đại chúng là $48,4 tỷ. Và năm 2021, Saudi Aramco báo cáo đạt mức tăng trưởng doanh thu là 74,20%.
2. TSMC (TSM)
Đứng thứ hai trong danh sách của chúng tôi là Taiwanese Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), nhà máy chế tạo chất bán dẫn lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới. Chất bán dẫn là một thuật ngữ rộng dùng để chỉ các chất có trong mọi thiết bị điện hiện đại. TSMC được thành lập vào năm 1987 bởi Morris Chang, vừa nghỉ hưu vào năm 2018, người kế nhiệm ông là C. C. Wei trong vai trò Tổng Giám đốc và Mark Liu trong vai trò Chủ tịch. TSMC được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan và Sở giao dịch chứng khoán New York (công ty Đài Loan đầu tiên làm được điều này). Khách hàng của TSMC bao gồm Apple, Arm và Nvidia.
Như vậy, các đối thủ cạnh tranh chính của TSMC cũng chính là Nvidia, Intel và Texas Instruments, cùng rất nhiều công ty khác.
Do có trụ sở chính tại Hsinchu, Đài Loan, TSMC sẽ chịu ảnh hưởng từ bất kỳ xung đột nghiêm trọng nào giữa Đài Loan với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Do đó, TSMC đã cố gắng giảm thiểu tác động này bằng cách mở rộng quy mô ra toàn cầu. Mặc dù vậy, năm 2021, mức tăng trưởng doanh thu hàng năm của TSMC vẫn đạt 15,19%.
3. Tencent (TCEHY)
Đứng thứ ba trong danh sách này là Tencent, một công ty công nghệ và giải trí đa ngành, đa quốc gia của Trung Quốc, được thành lập vào năm 1998 bởi Pony Ma (hiện vẫn đang là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch công ty), Charles Chen, Zhang Zhidong, Xu Chenye và Zeng Liqing. Trụ sở của công ty đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Tencent cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực như mạng xã hội, trò chơi điện tử, âm nhạc và nắm giữ cổ phần của hơn 500 công ty.
Kể từ năm 2011, Tencent đã cung cấp ứng dụng mạng xã hội WeChat, đạt số lượng hơn 1 tỷ người dùng đang hoạt động. Vào năm 2015, Tencent đã tách một bộ phận ra và thành lập ngân hàng trực tuyến WeBank. Công ty cũng sở hữu công ty trò chơi Riot Games (nhà phát triển Liên minh huyền thoại), nắm giữ phần lớn cổ phần của nhiều công ty, bao gồm Supercell (nhà phát triển Clash of Clans) và nắm giữ cổ phần thiểu số của các công ty khác như Epic Games (nhà phát triển Fortnite). Tencent cũng có quyền phát sóng NBA tại Trung Quốc.
Năm nay, Tencent bắt đầu tích cực mua cổ phiếu của chính công ty nhằm ngăn giá trượt dốc sau khi Prosus (một cổ đông lớn của Tencent) thông báo sẽ bán một phần trong 28,8% cổ phần của mình ở Tencent. Doanh thu của Tencent giảm 4,35% trong quý 2 năm 2022, nhưng công ty đã báo cáo đạt mức tăng trưởng tích cực hơn là 24,62% trong cả năm 2021.
4. Kweichow Moutai (600519)
Ở vị trí thứ tư là Kweichow Moutai (Quý Châu Mao Đài), công ty nước giải khát lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Mao Đài, Trung Quốc. Kweichow Moutai do chính phủ Trung Quốc sở hữu một phần và một phần thuộc sở hữu công khai, trong đó Kweichow Moutai Group nắm giữ đa số cổ phần. Công ty được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải từ năm 2001. Kweichow Moutai chuyên sản xuất Mao Đài, loại rượu baijiu (rượu Trung Quốc) rất nổi tiếng, với sản lượng 70.200 tấn chỉ riêng trong năm 2018.
Trong 5 năm qua, Kweichow Moutai có tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình là 15,76%.
5. LVMH (MC)
Công ty châu Âu đầu tiên trong danh sách của chúng tôi là LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH), một công ty đa quốc gia của Pháp, được thành lập bằng cách hợp nhất Louis Vuitton (thương hiệu thời trang cao cấp) và Moët Hennessy (thương hiệu đồ uống cao cấp). LVMH chuyên sản xuất các thương hiệu xa xỉ. Các công ty con bao gồm Dior, Givenchy, Kenzo và Tiffany & Co.
LVMH được thành lập vào những năm 1980 bởi Bernard Arnault (hiện nay vẫn đang là Tổng Giám đốc) nhằm kết hợp các thương hiệu uy tín thành một tập đoàn. Cổ đông lớn duy nhất của LVMH là Arnault Family Group. LVMH có trụ sở chính tại Paris. Năm 2019 đã nổ ra một cuộc chiến pháp lý giữa LVMH và Tiffany & Co. về đề xuất mua lại công ty trang sức này của LVMH. Công ty này cuối cùng đã đạt được thỏa thuận và hoàn tất mua lại toàn bộ Tiffany & Co. vào đầu năm 2021. Mới đây, LVMH đã bắt đầu sử dụng công nghệ blockchain và công nghệ Token không thể thay thế (NFT). Blockchain là công nghệ hỗ trợ cho tiền điện tử.
Các đối thủ cạnh tranh chính của LVMH đến từ nhiều ngành mà họ hoạt động, bao gồm Christian Dior (thời trang) và Remy Cointreau (rượu). LVMH báo cáo mức tăng trưởng doanh thu là 43,82% vào năm 2021.
6. Nestlé (NESN)
Đứng ở vị trí thứ sáu là Nestlé, có trụ sở tại Vevey, Thụy Sĩ. Nestlé là công ty thực phẩm lớn nhất hoàn toàn thuộc sở hữu của công chúng và hoạt động tại 189 quốc gia.
Nestlé được thành lập vào cuối thế kỷ 19 sau khi hợp nhất hai doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống của Thụy Sĩ. Trong suốt thế kỷ 20 và 21, Nestlé tiếp tục phát triển với nhiều thương vụ mua lại, sáp nhập và mở rộng ra quốc tế. Các thương hiệu lớn nhất của Nestlé bao gồm Nespresso, Kit Kat và Maggi. Nestlé cũng sở hữu phần lớn cổ phần trong các công ty lớn khác bao gồm L’Oreal. Nestlé cũng từng có một quá khứ gây tranh cãi khi liên tục phải đối mặt với những hậu quả do tiếp thị sữa công thức cho trẻ em và sử dụng lao động trẻ em.
Tổng Giám đốc hiện nay của Nestlé là Ulf Mark Schneider, và Chủ tịch hiện nay là Paul Bulcke. Nestlé gần đây đã phải tăng giá để đối phó với tình hình lạm phát tăng cao trên toàn cầu do giá dầu toàn cầu tăng lên.
Các đối thủ cạnh tranh của Nestlé bao gồm các nhà cung cấp thực phẩm và đồ uống lớn khác như Kerry, Unilever và Pepsico. Nestlé báo cáo mức tăng trưởng doanh thu tương đối thấp vào năm 2021, chỉ đạt 3,25%.
7. Samsung (005930)
Quay trở lại Châu Á, chúng ta có Samsung của Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ bảy. Samsung là một tập đoàn được thành lập vào năm 1938 bởi Lee Byung-chul, nhưng thời đó, Samsung chưa tham gia vào các ngành giúp công ty trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới, cho đến những năm 1960 và 1970, Samsung bắt đầu tham gia vào các ngành điện tử, xây dựng và đóng tàu.
70% doanh thu của Samsung từ năm 2012 đến từ công ty con Samsung Electronics, đây là công ty công nghệ lớn thứ hai trên thế giới tính theo doanh thu. Samsung Electronics sản xuất tất cả các loại thiết bị điện tử, bao gồm cả điện thoại thông minh và máy tính bảng. Các công ty con khác của Samsung bao gồm Samsung Heavy Industries và Samsung Engineering.
Samsung có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, chủ tịch là Lee Kun-Hee. Samsung đang cân nhắc cho ra mắt một nền tảng tiền điện tử vào năm 2023.
8. Roche (ROG)
Công ty Thụy Sĩ thứ hai trong danh sách của chúng tôi là F. Hoffmann-La Roche AG (Roche), một công ty chăm sóc sức khỏe được thành lập vào năm 1896. Hậu duệ của các nhà sáng lập, gia đình Hoffman và Oeri, chỉ sở hữu hơn một nửa số cổ phần có quyền biểu quyết tại Roche. Roche là công ty dược phẩm lớn thứ năm trên thế giới và có thể tách thành hai bộ phận chính: Dược phẩm và Chẩn đoán.
Roche là công ty chi tiêu nhiều nhất thế giới vào nghiên cứu và phát triển y tế, đồng thời công ty cũng phát triển các loại thuốc điều trị ung thư, vi-rút và các bệnh về chuyển hóa. Gần đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt sản phẩm Xofluza của Roche, một loại thuốc điều trị bệnh cúm dành cho trẻ em từ 5 tuổi trở xuống.
Tổng Giám đốc của Roche là Severin Schwan và Christoph Franz là chủ tịch. Công ty có trụ sở tại Basel, Thụy Sĩ. Các đối thủ cạnh tranh của Roche bao gồm Novo Nordisk, Novartis và Pfizer. Năm 2021, Roche báo cáo mức tăng trưởng doanh thu đạt 7,68%.
9. Alibaba (BABA)
Vị trí gần cuối trong danh sách này là Tập đoàn Alibaba, một công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, bán lẻ và công nghệ. Alibaba được thành lập tại Hàng Châu, Trung Quốc vào năm 1999 bởi Jack Ma cùng với 17 người bạn và học trò của ông. Alibaba là một trong những công ty lớn nhất thế giới về thương mại điện tử và bán lẻ với các trang web Alibaba, Taobao và Tmall. Một chi nhánh của Alibaba, Ant Group, cũng là tập đoàn dịch vụ tài chính lớn thứ hai thế giới. Alibaba đang cố gắng mở rộng sang lĩnh vực giải trí và truyền thông thông qua Bộ phận Giải trí và Truyền thông Kỹ thuật số.
Alibaba đã bán cổ phần công khai trong đợt IPO vào năm 2014, đây là đợt IPO lớn nhất trong lịch sử vào thời điểm đó (danh hiệu này cuối cùng đã thuộc về Saudi Aramco). Cổ phiếu của Alibaba gần đây đã tăng giá nhờ gói kích thích tài chính từ chính phủ Trung Quốc và nhờ tin tức Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận về việc cử các cán bộ của Hoa Kỳ sang tiến hành kiểm toán doanh nghiệp tại các công ty Trung Quốc.
Các đối thủ cạnh tranh của Alibaba bao gồm Amazon (thuộc top 10 công ty Hoa Kỳ lớn nhất thế giới), Rakuten và eBay. Với 254.941 nhân viên trên toàn thế giới, Alibaba mong muốn phục hồi tăng trưởng sau khi doanh thu giảm 1,42% trong quý 2 năm 2022.
10. Novo Nordisk (NVO)
Cuối cùng trong danh sách là Novo Nordisk, một công ty dược phẩm đến từ Đan Mạch, có trụ sở chính tại Bagsværd. Novo Nordisk chuyên về điều trị bệnh tiểu đường và tham gia hoạt động tại các lĩnh vực như cầm máu, liệu pháp hormone tăng trưởng và liệu pháp thay thế hormone. Novo Nordisk được thành lập vào năm 1989 sau khi hợp nhất Novo Industri và Nordisk Gentofte, và trở thành nhà sản xuất insulin lớn nhất thế giới. Chủ tịch hội đồng quản trị của Novo Nordisk là Helge Lund, cùng với Lars Fruergaard Jørgensen là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch công ty. 33% doanh thu của Novo Nordisk đến từ doanh số bán Insulin, nhưng công ty đang cố gắng chuyển sang các lĩnh vực điều trị tăng trưởng cao hơn, do đó, tổng doanh thu này dự kiến sẽ giảm trong tương lai.
Các đối thủ của Novo Nordisk là Roche, Pfizer và Sanofi. Novo Nordisk đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu quý 2 năm 2022, nối tiếp mức tăng trưởng doanh thu 10,91% trong năm 2021.
Takeaways
Bạn có thể sử dụng những kiến thức cơ bản về top 10 công ty lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ theo giá trị vốn hóa thị trường ở trên làm bàn đạp cho các nghiên cứu trong tương lai để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ tình hình tài chính toàn cầu trước khi đưa ra bất kỳ quyết định tài chính nào. Chúng tôi hy vọng các thông tin trên đủ chuyên sâu để giúp bạn hiểu được những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của một số công ty nhất định bên ngoài Hoa Kỳ.
Nếu thích bài viết này, bạn có thể xem thêm bài viết Top 10 công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo giá trị vốn hóa thị trường của chúng tôi.
[1] Thông tin về giá trị vốn hóa thị trường có trên https://companiesmarketcap.com ngày 26/8/2022