Vào cuối thế kỷ 19, Charles Dow (người được lấy tên để đặt cho Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones) đã tìm ra những cách thức để phân tích thị trường tài chính, ngày nay được gọi chung là Lý thuyết Dow. Một trong những bài học cơ bản từ Lý thuyết Dow là thị trường di chuyển theo ba loại xu hướng: tăng, giảm và đi ngang. Đối với các nhà phân tích kỹ thuật và nhà giao dịch, việc xác định khi nào thị trường có xu hướng (tăng hoặc giảm) hoặc khi nào có xu hướng đi ngang hay nằm trong giới hạn phạm vi, là chìa khóa cho bất kỳ chiến lược giao dịch nào.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về:
Thị trường xu hướng được xác định bởi điều gì?
Thị trường không di chuyển theo đường thẳng mà qua rất nhiều đỉnh và đáy. Xu hướng tăng theo Lý thuyết Dow là khi thị trường đạt một loạt các đỉnh cao hơn và đáy cao hơn liên tiếp. Trong khi đó, xu hướng giảm là khi thị trường có một loạt các đỉnh thấp hơn và đáy thấp hơn theo tuần tự.
Thị trường giới hạn phạm vi được xác định bởi điều gì?
Đôi khi, thị trường không biến động qua các đỉnh cao hơn và đáy cao hơn liên tiếp, hay biến động qua các đỉnh thấp hơn và đáy thấp hơn tuần tự. Mà thay vào đó, thị trường biến động qua các đỉnh và đáy ngẫu nhiên, có cái cao hơn, có cái thấp hơn so với các đỉnh và đáy trước đó. Chúng ta gọi đây là xu hướng đi ngang, hoặc tên gọi phổ biến hơn là thị trường giới hạn phạm vi.
Từ việc chỉ tìm hiểu các xu hướng tăng, giảm và đi ngang được xác định bởi các đỉnh và đáy, các nhà phân tích kỹ thuật và nhà giao dịch cũng sử dụng đường xu hướng để xác định rõ hơn giới hạn của thị trường xu hướng và thị trường giới hạn phạm vi.
Đường xu hướng là gì?
Đường xu hướng là một đường được vẽ giữa hai điểm — thường tạo thành từ các đỉnh hoặc đáy nổi bật. Các nhà giao dịch sử dụng các đường này để xác định thị trường thuộc dạng xu hướng hay giới hạn phạm vi. Đường xu hướng sẽ được vẽ từ các đỉnh trong xu hướng giảm và từ các đáy trong xu hướng tăng.
Đường xu hướng hoạt động thế nào?
Đường xu hướng hoạt động bằng cách xác định mức hỗ trợ và mức kháng cự, đây là những yếu tố giúp bạn tham gia hoặc thoát giao dịch. Đường xu hướng cũng cho bạn biết thời điểm thị trường có thể đổi hướng — ví dụ như từ giai đoạn tăng sang giai đoạn trung lập. Hoặc từ giai đoạn đi ngang sang xu hướng giảm hoặc tăng với một điểm phá vỡ. Bạn có thể tìm hiểu thêm về khía cạnh này trong Hướng dẫn giao dịch theo điểm phá vỡ của chúng tôi.
Có những loại đường xu hướng nào?
Đường xu hướng bao gồm các loại sau:
- Đường xu hướng tăng
- Đường xu hướng giảm
- Đường xu hướng đi ngang hoặc ổn định giá
Xu hướng tăng (Các đáy cao hơn)
Xu hướng tăng là một loạt các đỉnh cao hơn và đáy cao hơn. Như bạn có thể thấy trong hình dưới đây, đường xu hướng được vẽ bằng cách nối các đáy dao động liên tiếp và xác định xu hướng tăng. Sau đó, bạn có thể sử dụng đường xu hướng tăng này làm mức hỗ trợ.
Xu hướng giảm (Các đỉnh thấp hơn)
Nếu để ý, bạn sẽ thấy xu hướng giảm là một loạt các đáy thấp hơn và đỉnh thấp hơn, như được thể hiện trong hình bên dưới. Bạn chỉ cần nối các đỉnh đáng kể với đường xu hướng của bạn và sử dụng nó làm mức kháng cự.
Xu hướng đi ngang (Giới hạn phạm vi)
Trong thị trường đi ngang, giới hạn phạm vi, bạn cũng có thể vẽ các đường xu hướng không xác định xu hướng tăng hoặc giảm, mà thực chất là xác định xu hướng đi ngang hay thị trường giới hạn phạm vi. Các đường xu hướng trong thị trường giới hạn phạm vi này đều xác định phạm vi, nhưng cũng có thể báo hiệu những điểm phá vỡ tín hiệu từ phạm vi đó.
Ưu và nhược điểm khi giao dịch theo đường xu hướng?
Ưu điểm của giao dịch theo đường xu hướng
Giao dịch theo đường xu hướng có những ưu điểm sau:
- Đường xu hướng bị phá vỡ báo hiệu sự kết thúc của một xu hướng — Bạn có thể xác định thời điểm xu hướng kết thúc khi đường xu hướng bị phá vỡ
- Có thể giúp bạn xác định mức tham gia giao dịch — Bạn có thể sử dụng các điểm phá vỡ của đường xu hướng làm mức tham gia giao dịch cho các chiến lược giao dịch của mình
- Có thể giúp bạn xác định mức thoát giao dịch — Bạn có thể sử dụng điểm phá vỡ của đường xu hướng để thoát lệnh giao dịch, đặt lệnh dừng để thoát giao dịch tại điểm phá vỡ đường xu hướng
- Giao dịch theo đường xu hướng có thể mang lại cho bạn các tín hiệu sớm (so với khi sử dụng các chỉ báo khác) — Các tín hiệu sớm thường đến từ việc sử dụng đường xu hướng để tham gia hoặc thoát lệnh giao dịch, trái với việc sử dụng các mức hỗ trợ và mức kháng cự khác để tìm tín hiệu
- Bạn có thể tăng lợi nhuận của mình — Việc sử dụng các đường xu hướng ở trên có thể cải thiện lợi nhuận của bạn (mặc dù các điểm phá vỡ giả có thể làm giảm lợi nhuận của bạn — vui lòng xem phần Nhược điểm của giao dịch theo đường xu hướng dưới đây)
Nhược điểm của giao dịch theo đường xu hướng
- Nhược điểm chính của giao dịch theo đường xu hướng là đôi khi có các tín hiệu giả. Ví dụ: trong xu hướng tăng, đường xu hướng tăng có thể bị phá vỡ, nhưng mức hỗ trợ tiếp theo có thể được giữ vững và sau đó xu hướng tăng có thể tiếp tục
- Bạn có thể tìm cách giao dịch trong thị trường giới hạn phạm vi bằng cách bán mức cao của phạm vi và mua ở mức cao của phạm vi. Hoặc bạn có thể tìm kiếm các điểm phá vỡ từ xu hướng đi ngang và phạm vi, nhưng những điểm phá vỡ này đôi khi có thể là giả (thường được gọi là điểm phá vỡ giả).
Tóm tắt nội dung chính
Bây giờ, bạn đã hiểu rõ hơn về thị trường xu hướng và thị trường giới hạn phạm vi là gì, cách xác định các thị trường này và cách sử dụng đường xu hướng trong thị trường tăng, giảm và đi ngang, giới hạn phạm vi.
Khi áp dụng những kỹ năng phân tích kỹ thuật mới này vào chiến lược giao dịch, bạn có thể xác định rõ hơn các mức tham gia và thoát giao dịch. Sau nhiều lần hoàn thiện, bạn có thể cải thiện kết quả giao dịch của mình và tăng mức lợi nhuận về lâu dài.